Nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh trầm cảm sau sinh hiệu quả mà mẹ nên biết

Tác giả: Đãm - đăng vào 09:43 ngày 09.05.2024

Sau khi sinh, cơ thể của phụ nữ sẽ có rất nhiều sự thay đổi đột ngột về nội tiết nên rất dễ gây ra tâm lý chán nản, mệt mỏi và dẫn đến trầm cảm sau sinh. Các dấu hiệu của trầm cảm sau sinh ban đầu thường không được rõ ràng nên không được gia đình chú ý. Vậy làm cách nào để nhận biết, phòng ngừa căn bệnh này trước khi quá muộn? Hãy cùng Mom Shin tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Trầm cảm sau sinh gây ra hậu quả cực nghiêm trọng. Nhiều trường hợp người mẹ rơi vào trầm cảm nhưng không được phát hiện và điều trị kịp thời, đã tự hủy hoại cuộc đời và tước đi mạng sống của con mình. Dưới đây là nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh trầm cảm sau sinh mà mẹ có thể tham khảo.

Trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm sau sinh là căn bệnh xuất hiện sau khi sinh ở người phụ nữ nhất là trong 3 tuần đầu sau sinh. Tâm lý của phụ nữ sau sinh thường bị ảnh hưởng cùng với các tác động bên ngoài gây nên bệnh trầm cảm sau sinh. Trầm cảm sau sinh là một căn bệnh có thể gặp ở tất cả các phụ nữ sau khi sinh không chỉ ở lần đầu mang thai mà có thể gặp ở bất kì thời điểm nào và lần mang thai nào. Hàng năm có khoảng 10-20% phụ nữ sau sinh có biểu hiện của trầm cảm, tỉ lệ này ngày càng gia tăng.

Phần lớn các phụ nữ sau sinh đều có rối loạn khí sắc, triệu chứng này có thể thoáng qua và tương đối nhẹ, tuy nhiên một số có thể kéo dài dần dần dẫn đến trầm cảm, ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và con do bệnh trầm cảm gây nên. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị trầm cảm sau sinh là điều cực kỳ quan trọng để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Nguyên nhân của bệnh trầm cảm sau sinh

Hiện nay vẫn chưa có một bằng chứng cụ thể nào chỉ ra nguyên nhân chính gây ra trầm cảm ở phụ nữ sau sinh. Đây là bệnh lý thuộc chuyên ngành tâm thần học không có nguyên nhân rõ ràng đối với tất cả phụ nữ sau sinh mà mỗi người sẽ do nguyên nhân khác nhau do sự kết hợp của nhiều yếu tố của tinh thần, thể chất, tâm lý và xã hội.

Hiện nay, vẫn chưa có một bằng chứng cụ thể nào chỉ ra nguyên nhân chính gây ra trầm cảm sau sinh

 

Theo các nghiên cứu khoa học, nguyên nhân gây ra trầm cảm sau sinh có thể kể đến như:

- Thay đổi nội tiết tố: Trong quá trình mang thai nồng độ nội tiết tố nữ estrogen và progesterone sẽ tăng cao. Sau khi sinh con, nồng độ hormone sẽ nhanh chóng giảm xuống mức bình thường. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, sự thay đổi đột ngột này có thể dẫn đến trầm cảm cho phụ nữ mang thai và sau sinh. 

- Tiền sử rối loạn tâm lý: Rối loạn tâm lý, trầm cảm có thể tái phát vì vậy phụ nữ từng có có tiền sử trầm cảm trước hoặc trong quá trình mang thai thì sẽ có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh.

- Sức khỏe giảm sút: Đối với những phụ nữ có thể trạng yếu, bị đau trong quá trình sinh nở thường tác động đến tâm trạng phụ nữ. Cơn đau kéo dài cùng với việc phải chăm con mới sinh vất vả nảy sinh tâm lý bực bội, cáu gắt, làm gia tăng cảm giác chán ghét bản thân và cả em bé.

- Yếu tố kinh tế, đời sống: Những yếu tố về kinh tế, đời sống cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý phụ nữ sau sinh. Điều kiện kinh tế khó khăn, hoàn cảnh sống chật chội đông đúc, thiếu sự quan tâm chia sẻ từ chồng và người thân, áp lực với các hủ tục sau sinh, mâu thuẫn trong quan niệm chăm con nhỏ giữa các thế hệ sẽ làm tăng cảm xúc tiêu cực từ phụ nữ dẫn đến trầm cảm.

 

Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ khiến phụ nữ sau sinh bị trầm cảm bao gồm:

 

- Tuổi tác ngay tại thời điểm mang thai (tuổi càng trẻ thì tỷ lệ trầm cảm càng cao);

- Mâu thuẫn trong việc mang thai;

- Gia đình có tiền sử người bị rối loạn tâm thần;

- Trải qua một sự kiện quá căng thẳng, như mất việc hoặc khủng hoảng về sức khỏe;

- Trẻ sinh ra yếu ớt, dễ bệnh, phát hiện dị tật hoặc gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe;

- Phụ nữ sinh đôi, sinh ba hoặc đã có nhiều con rồi sinh thêm;

- Sống một mình, không ai giúp đỡ.

- Xảy ra xung đột hôn nhân sau khi sinh, bạo lực gia đình;

- Thiếu ngủ vì phải thức đêm chăm con dài ngày; lo lắng, hoài nghi về khả năng nuôi con của bản thân;

- Lo ngại về ngoại hình, tăng cân mất kiểm soát hoặc sụt nhiều cân sau sinh,...

Những dấu hiệu nhận biết cơn trầm cảm sau sinh

Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh rất khó để có thể nhận biết, đến khi họ có biểu hiện hành động, cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân. Phụ nữ mới sinh con cần được quan tâm lưu ý những dấu hiệu khởi phát trầm cảm như sau:

- Cảm thấy buồn rầu, chán nản hay thậm chí không biết lý do vì sao buồn, luôn trong tình trạng vô vọng, trống rỗng, cảm thấy quá sức tất cả mọi việc.

- Biểu hiện của sự buồn, chán là khóc thường xuyên, khóc một mình, khóc nhiều hơn bình thường hay thậm chí không biết vì sao khóc.

- Luôn cảm thấy sợ hãi

- Hay cáu gắt: tính khí trở nên thất thường, luôn khó chịu và không bằng lòng với tất cả mọi thứ, mất kiểm soát

- Mất ngủ: thường xuyên bị mất ngủ, không yên tâm để ngủ ngon, ngủ không sâu giấc, dễ thức giấc và có một số trường hợp ngủ quá nhiều.

- Giảm khả năng tập trung, khó khăn khi đưa ra các quyết định.

- Mất quan tâm thích thú: không còn quan tâm đến bản thân, mất đi các sở thích như trước kia.

- Ăn rất ít, không muốn ăn, ăn không ngon miệng và có một số ít trường hợp lại ăn nhiều.

- Đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần, cảm thấy đau mỏi người, nhức đầu, mệt mỏi.

- Ngại tiếp xúc với mọi người, xa lánh bạn bè người thân và không muốn gần gũi với con.

- Có ý định làm hại bản thân và  hành vi tự sát hay thậm chí muốn giết con mình.

Những đối tượng có nguy cơ bệnh Trầm cảm sau sinh

Tất cả các phụ nữ sau sinh đều có nguy cơ bị trầm cảm, đặc biệt chú ý các đối tượng có nguy cơ cao như:

- Đã từng bị trầm cảm trong quá trình mang thai, trầm cảm ở lần mang thai trước hoặc trong bất kỳ thời điểm nào.

- Trong gia đình có người bị trầm cảm hoặc bệnh lý về tâm thần.

- Áp lực cuộc sống: mất đi người thân, mắc bệnh hoặc mất việc làm

- Con có vấn đề về sức khỏe: quấy khóc, bị bệnh, mất sữa hay ít sữa,..

- Khó khăn về tài chính, khó khăn trong mối quan hệ gia đình cũng như ngoài xã hội.

- Thiếu sự quan tâm từ gia đình, không ai giúp đỡ chăm con, phụ giúp công việc nhà.

- Mang thai ngoài ý muốn.

Các loại bệnh trầm cảm sau sinh phổ biến

Trầm cảm sau sinh cũng có nhiều mức độ khác nhau. Nhẹ nhất là trạng thái thường khóc lóc và ủ rũ (hội chứng baby blues), hội chứng trầm cảm sau sinh và cuối cùng là nặng nhất rối loạn tâm thần sau sinh. 

1. Baby blues

Có khoảng 30-80% mẹ mới sinh xong mắc hội chứng baby blues trong một thời gian ngắn khi em bé chào đời. Người mẹ thường có biểu hiện lo lắng, khóc, mất ngủ, mệt mỏi, ủ rũ và buồn bã trong khoảng từ 3-10 ngày sau khi sinh con và kết thúc trong vòng hai tuần. Nếu kéo dài hơn, có thể người mẹ đã mắc hội chứng trầm cảm sau sinh.

Hội chứng Baby Blues thường xuất hiện trong thời gian đầu của bệnh trầm cảm sau sinh

2. Hội chứng trầm cảm sau sinh 

Theo thống kê, có khoảng 10% phụ nữ sau sinh mắc hội chứng này và thường xuất hiện sau 3 tuần đầu sau sinh và có xu hướng kéo dài. Những dấu hiệu nhận biết, cảnh báo bà mẹ đang mắc hội chứng trầm cảm sau sinh như: hay khóc, khó khăn trong việc đưa ra các quyết định, thiếu tập trung, mất tự tin, chán ghét bản thân, thậm chí còn có ý nghĩ tự tử.

Người mắc trầm cảm sau sinh thường mất tập trung, hay khóc, có ý định tự tử

3. Rối loạn tâm thần sau sinh

Hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh thường xảy ra ở sản phụ có tiền sử hoặc có người thân trong gia đình bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực hoặc bệnh tâm thần phân liệt. Rối loạn sẽ bắt đầu trong 2 tuần đầu tiên sau khi sinh và chiếm tỷ lệ cao nhất trong 1-3 tháng tiếp theo. Sản phụ có dấu hiệu như dễ kích động, lú lẫn, giảm trí nhớ, cáu gắt, mất ngủ và rất hay lo lắng. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến hoang tưởng, ảo giác, tự tử.

4. Trầm cảm ở người bố

Khác với phụ nữ, dấu hiệu trầm cảm ở người bố có con nhỏ mới sinh thường không được chú ý. Nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh ở người bố do các thay đổi: mối quan hệ hôn nhân, cảm xúc, thiếu tự tin trong việc làm cha mẹ. Đặc biệt, nếu người vợ bị trầm cảm thì người chồng cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Bệnh trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không?

Trầm cảm là căn bệnh nguy hiểm được cảnh báo cho cộng đồng. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác động nguy hiểm của trầm cảm lên đời sống phụ nữ sau khi sinh con. Theo kết quả nghiên cứu, trầm cảm sau sinh tại Việt Nam chiếm tỷ lệ tương đương với các nước trong khu vực. 

Người bị trầm cảm sau sinh thường không có hứng thú và ít gần gũi với con

Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra, tình trạng này gây ra những tác động xấu ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và trẻ em, cũng như mối quan hệ của họ với các thành viên khác trong gia đình.

Đối với phụ nữ

Trầm cảm sau sinh thường rất khó để phát hiện, kéo dài hàng tháng hoặc lâu hơn, có thể bệnh sẽ phát triển sang rối loạn tâm thần nếu không chữa trị kịp thời. Phụ nữ trầm cảm sau sinh thường không có đủ sức khỏe để chăm sóc con cái và nguy cơ tự tử rất cao. 

Đối với người con của mẹ mắc bệnh trầm cảm 

Những đứa trẻ có mẹ bị trầm cảm thường có nguy cơ không phát triển cảm xúc, hành vi:

- Trẻ sẽ chậm phát triển ngôn ngữ, vận động;

- Hạn chế khả năng giao tiếp;

- Có thể xảy ra một số hành vi bất thường hoặc dễ kích động hơn trẻ bình thường;

- Trẻ rất dễ bị căng thẳng và khó thích nghi với môi trường, khó hòa nhập xã hội…

Đối với gia đình

Các thành viên trong gia đình có người bị trầm cảm sau sinh cũng có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao. Đó có thể là người chồng, bố mẹ hoặc anh chị em chung sống trong một mái nhà, khi căng thẳng triền miên trong gia đình, tâm lý và sức khỏe từng thành viên sẽ ảnh hưởng.

Phương pháp điều trị của bệnh trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh có thể sẽ tự khỏi, hoặc điều trị thành công bằng cách dùng thuốc kết hợp với điều trị tâm lý, kèm theo chế độ ăn uống nghỉ ngơi, vận động phù hợp.

Tâm lý trị liệu

Nói chuyện với bác sĩ tâm lý sẽ giúp phụ nữ sau sinh thay đổi cảm xúc bản thân. Ngoài việc trực tiếp trò chuyện với bác sĩ phụ nữ sau sinh còn có thể tham gia vào các hội nhóm để hỗ trợ cùng nhau vượt qua trầm cảm. Trong một số trường hợp trầm cảm sau sinh nặng hoặc rối loạn tâm thần sau sinh thì cần phải nhập viện để được điều trị.

Trị liệu tâm lý trầm cảm sau sinh bởi các chuyên gia uy tín giúp cải thiện hiệu quả tình trạng bệnh

Điều trị bằng thuốc

Mất ngủ là nguyên nhân khiến bệnh trầm cảm sau sinh kéo dài và ngày càng nguy hiểm, do đó phần lớn để giải quyết trầm cảm các bác sĩ điều trị thường kê thuốc ngủ giúp người bệnh ngủ đủ giấc, tỉnh táo tinh thần. Ngoài ra, người bệnh được sử dụng thuốc chống trầm cảm theo phác đồ riêng của từng người. Thời gian điều trị trầm cảm có thể kéo dài từ 1- 6 tháng, hoặc lâu hơn, tùy vào mức độ bệnh. Ngoài ra, với những người đã có một giai đoạn trầm cảm trước khi mang thai hoặc sinh con bác sĩ có thể kê thêm thuốc phòng ngừa trầm cảm sau sinh cho em bé khi vừa mới chào đời.

Cách phòng bệnh Trầm cảm sau sinh

Tất cả phụ nữ sau sinh đều có nguy cơ mắc trầm cảm đặc biệt ở những người có nguy cơ cao như đã từng mắc bệnh trầm cảm, gia đình có người trầm cảm hay những vấn đề tâm lý khác mà người phụ nữ gặp phải. Việc đề phòng trầm cảm sau sinh không chỉ về phía bản thân người phụ nữ và còn là sự phối hợp của những người xung quanh

Đối với bản thân người phụ nữ sau sinh học cách thư giãn, giải tỏa những căng thẳng mệt mỏi:

- Không ép bản thân làm những việc quá sức, không nên quá kỳ vọng để mình trở thành một bà mẹ hoàn hảo.

- Ngủ đủ giấc, tranh thủ nghỉ ngơi trong lúc con ngủ.

- Dành thời gian chăm sóc cho bản thân, gặp gỡ bạn bè người thân

Về phía gia đình nên dành thời gian để chăm sóc người phụ nữ sau sinh đặc biệt là người chồng cần phải lắng nghe, chia sẻ và cảm thông với người phụ nữ nhất là trong 1 năm đầu sau khi sinh.

Một số lưu ý giúp mẹ ngăn ngừa bệnh trầm cảm sau sinh

Tham gia khóa học tiền sản

Đối với các mẹ sinh con đầu lòng nên tham gia vào các lớp học tiền sản và kết bạn với những phụ nữ mang thai hoặc người mới làm cha mẹ để được chia sẻ nhiều kiến thức, tinh thần chuẩn bị đón con. 

Yêu cầu sự giúp đỡ từ người thân

Việc chăm sóc một em bé mới chào đời sẽ gặp rất nhiều khó khăn, phụ nữ sau sinh cơ thể yếu ớt cùng với giờ giấc sinh hoạt đảo lộn. Chúng ta hãy yêu cầu sự giúp đỡ từ người chồng, người thân trong gia đình cùng chăm sóc một đứa trẻ, để mẹ có thời gian ngủ, nghỉ.

Không quá áp lực việc chăm con

Trong lần đầu nuôi con nhỏ, mẹ sau sinh phải chịu nhiều áp lực từ việc mâu thuẫn quan điểm chăm con, đến việc cho con bú, con bú ít hay con chậm tăng cân, con đẻ ra còi cọc. Những mâu thuẫn và so sánh đã vô tình đẩy các bà mẹ bị áp lực, nghi ngờ khả năng chăm con của bản thân. Thay vì lo lắng, các bà mẹ chỉ cần mạnh mẽ, dần hoàn thiện kỹ năng chăm con, tăng cường đi dạo, ăn uống hợp lý, trao đổi với bác sĩ nếu gặp khó khăn trong việc chăm trẻ con. Đồng thời, mẹ cũng tăng cường việc trao đổi với gia đình, tranh thủ thời gian ngủ nghỉ hợp lý để phòng ngừa bệnh trầm cảm.

Trầm cảm sau sinh là một căn bệnh tâm lý phổ biến trong xã hội hiện đại ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mẹ và bé. Bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị sớm nhằm ổn định tâm lý, giúp người mẹ lành bệnh, để có đủ sức khỏe và tinh thần tốt chăm con. Hy vọng những chia sẻ trên của Mom Shin giúp mẹ biết thêm cách phòng tránh bệnh trầm cảm sau sinh.

Bài viết liên quan
Bỏ ngay 5 cách giảm cân sau sinh mà vẫn về sữa nhiều

Bỏ ngay 5 cách giảm cân sau sinh mà vẫn về sữa nhiều

05 Thg 10 2024 / MẸ SHIN CHIA SẺ VIỆC Ở CỬ

Để giúp các mẹ sau sinh vừa giảm cân hiệu quả, vừa có thể đảm bảo nguồn sữa dồi dào cho con, Dưới đây là là một số phương pháp mà mom Shin muốn chia sẻ các mẹ có thể tham khảo.Tăng cường việc cho con bú thường xuyênĐây được xem một phương pháp tự...

Đau bụng dưới sau sinh: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả cho mẹ bỉm

Đau bụng dưới sau sinh: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả cho mẹ bỉm

01 Thg 10 2024 / MẸ SHIN CHIA SẺ VIỆC Ở CỬ

Đau bụng dưới sau sinh là một tình trạng khá phổ biến, thường không gây nguy hiểm nhưng khiến không ít mẹ đau đớn và khó chịu. Hãy cùng Mom Shin tìm hiểu nguyên nhân do đâu và cách điều trị hiệu quả dành cho mẹ bỉm.Những nguyên nhân đau bụng dưới sau sinh1. Co...

Cách hơ mặt bằng than sau sinh có tốt không?

Cách hơ mặt bằng than sau sinh có tốt không?

26 Thg 9 2024 / MẸ SHIN CHIA SẺ VIỆC Ở CỬ

Hơ mặt bằng than sau sinh được xem là cách chăm sóc da giúp mẹ bỉm trên tươi trẻ, rạng rỡ hơn. Vậy hơ mặt bằng than sau sinh thực sự có tốt không? Hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!Vì sao có tập tục nằm than sau sinh?Khi chuyển dạ sinh con, cơ thể phụ...

Đai nịt bụng sau sinh: Dùng như thế nào cho đúng cách?

Đai nịt bụng sau sinh: Dùng như thế nào cho đúng cách?

25 Thg 9 2024 / MẸ SHIN CHIA SẺ VIỆC Ở CỬ

Trải qua quá trình mang thai sinh con, vóc dáng của nhiều chị em thay đổi rất nhiều. Để lấy lại vóc dáng thon gọn, đa phần phụ nữ tìm đến các sản phẩm đai nịt bụng sau sinh với mong muốn sẽ giúp giảm vòng bụng trở nên gọn gàng, săn chắc hơn. Liệu...

logo-lastmenu

© 2024 - 2024 CÔNG TY TNHH DƯỢC LIỆU MOM SHIN VIỆT NAM

Hổ trợ 24/7

Gọi ngay cho mẹ Shin theo số 0707.988.868 để được tư vấn miễn phí!

  • Mom Shin - Facebook
  • Mom Shin - Youtube
Social Zalo Zalo Social Tiktok Tiktok Social Youtube Youtube Social Facebook Facebook

Chưa có sản phẩm trong danh sách yêu thích

Chưa có sản phẩm trong danh sách so sánh

Mua thêm 1,000,000₫ để được miễn phí giao hàng trên toàn quốc.
Mom Shin - Free Ship
Giỏ hàng của bạn còn trống
Xem chi tiết giỏ hàng

Phí ship & thuế được tính ở Trang Thanh Toán