Với các mẹ sau sinh, tình trạng bị tắc tia sữa ngày càng trở nên phổ biến. Nếu không được xử lý kịp thời thì tắc tia sữa có thể dẫn tới viêm, áp xe vú. Khi đó việc điều trị sẽ trở nên phức tạp và có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Bài viết hôm nay, Mom Shin sẽ giúp các mẹ tìm hiểu mọi kiến thức cơ bản liên quan đến vấn đề tắc tia sữa cũng như cách giúp mẹ thông tắc tia sữa nhanh và hiệu quả nhất.
Tắc tia sữa là gì?
Tắc tia sữa (hay còn gọi là tắc tuyến sữa) là tình trạng ứ đọng sữa không thể đẩy ra ngoài khiến mẹ không đủ sữa nuôi con. Những mô tuyến sữa trong vú mẹ có nhiều ngăn giống như quả chanh, mỗi ngăn sẽ có một ống dẫn sữa. Nhưng nếu gặp phải tình trạng tắc một trong các ống dẫn, sữa không thể lưu thông một cách dễ dàng, tạo thành một hoặc nhiều điểm cứng có thể sờ thấy trên ngực và chúng thường rất đau.
Tắc tia sữa thường xảy ra khi nào?
Tắc tia sữa có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào sau sinh, nhưng thường gặp nhất là từ ngày thứ hai đến ngày thứ tư sau sinh – khi bầu ngực mẹ căng tức sữa. Lúc này, mẹ ấn nhẹ vào ngực sẽ thấy nổi cục và đau mặc dù sữa vẫn được tiết ra.
Ngoài ra, trong quá trình cho con bú, tia sữa có thể bị tắc ở những tháng tiếp theo do lượng sữa bé bú không hết còn ứ đọng gây tắc tuyến sữa. Tắc tia sữa cũng diễn ra trong giai đoạn mẹ tập cho bé bú bình trước khi cai sữa.
Nguyên nhân gây tắc tia sữa sau sinh
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tắc tia sữa
Tình trạng tắc tia sữa sau sinh có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như:
- Sữa mẹ quá nhiều: Vài ngày đầu sau sinh con, bầu ngực của mẹ có rất nhiều sữa nhưng trẻ chưa thích nghi để bú kịp khiến sữa bị ùn ứ, gây tắc tia sữa.
- Không cho con bú thường xuyên: 6 tháng đầu sau sinh, trẻ cần bú từ 8 – 12 cữ mỗi ngày, trung bình 3 giờ sẽ bú một lần. Nếu trong thời gian 5 tiếng mà mẹ không cho bé bú thì dễ khiến sữa bị tồn đọng. Đây cũng là lý do gây ra tình trạng bít tắc ống dẫn sữa.
- Trẻ bú không hết: Mẹ tiết ra nhiều sữa nhưng trẻ không bú hết, lượng sữa bị ứ đọng lại sẽ gây ra tình trạng ứ đọng.
- Mẹ hút sữa không kiệt: Khi dùng máy hút, nếu mẹ vẫn chưa hút hết sữa mà dừng lại cũng gây tắc tia sữa về sau.
- Cho con bú sai tư thế: Trong quá trình cho con bú, mẹ bị đau khi cho con bú sai tư thế khiến trẻ phải cắn, ngậm bầu vú thật chặt, làm cho mẹ bị nứt đầu ti, sưng vú,…gây ra tình trạng tắc tia.
- Ngực chịu nhiều áp lực: Tắc tia sữa còn có thể là do mẹ mặc áo ngực quá chật khiến cho các ống dẫn sữa không lưu thông; hoặc mẹ có thói quen nằm sấp khi ngủ khiến cho tia sữa bị ép và gây viêm tắc tuyến sữa sau sinh.
- Do tâm lý: Sau sinh, mẹ thường thức khuya, mệt mỏi vì chăm sóc cho con. Nếu mẹ thường xuyên căng thẳng, quá trình sản sinh hormone oxytocin (một hóc-môn giúp kích thích vú tiết sữa) bị chậm lại, khiến ngực của mẹ có sữa nhưng không chịu tiết ra, gây tắc sữa. Nguyên nhân này rất dễ gặp ở những chị em lần đầu làm mẹ, bị đảo lộn cuộc sống sau khi e bé mới chào đời.
9 cách thông tắc tia sữa cho mẹ sau sinh nhanh và hiệu quả nhất
Đối với những trường hợp tắc tia sữa nhẹ, không quá nghiêm trọng, mẹ có thể áp dụng 9 cách thông tắc tia sữa nhanh nhất dưới đây:
1. Cho bé bú thường xuyên
Để thông tắc sữa mẹ nên cho bé bú thường xuyên và trực tiếp. Nếu bầu vú không quá đau, mẹ nên cho bé bú ở bầu ngực bị tắc tia sữa trước bởi lúc này bé sẽ dùng lực mạnh nhất để hút sữa mẹ, nhờ đó sẽ giúp khai thông được những tia sữa bị tắc.
2. Thay đổi tư thế cho bé bú
Khi cho bé bú, mẹ nên thay đổi nhiều tư thế khác nhau bởi ở mỗi tư thế dưới lực bú mút bé sẽ tác động đến các tia sữa khác nhau. Càng đổi nhiều tư thế sẽ tạo ra nhiều lực hút giúp thông tia sữa.
3. Chườm nóng bầu ngực
Mẹ có thể sử dụng khăn bông mềm thấm nước ấm và đắp lên ngực, hoặc dùng chai thủy tinh đựng nước ấm lăn qua lăn lại trên bầu ngực để giúp thông tắc tia sữa, giúp sữa chảy đều hơn. Lưu ý không sử dụng nước quá nóng để tránh bị bỏng rát.
4. Massage bầu ngực
Xoa bóp nhẹ nhàng từ bầu ngực và hướng dần vào trong núm vú, dùng lòng bàn tay hoặc các ngón tay xoa bóp quanh quầng vú để giúp kích thích và khai thông tia sữa. Để mang lại hiệu quả thông tắc tia sữa tốt nhất, mẹ nên áp dụng biện pháp này sau khi chườm nóng.
Massage bầu ngực
5. Hút sữa sau khi bé bú no
Sau khi cho bé đã bú no, mẹ có thể dùng tay hoặc dùng máy hút sữa để hút sạch sữa còn thừa ra ngoài, đảm bảo không còn sữa bị sót, gây ứ đọng trong bầu ngực. Khi sử dụng máy hút sữa, mẹ nên để chế độ massage tầm vài phút rồi mới chuyển sang chế độ hút sữa.
Hút sữa sau sinh bé bú no
6. Tránh gây áp lực lên ngực
Trong suốt thời gian cho con bú, mẹ nên mặc áo ngực thoải mái, không quá chật hoặc hạn chế mặc áo ngực để bầu ngực được thông thoáng, nhờ đó sữa được sản xuất và lưu thông dễ dàng hơn. Ngoài ra, mẹ không nên nằm sấp khi ngủ hoặc tập những môn thể dục, thể thao tác động trực tiếp lên ngực.
7. Nghỉ ngơi hợp lý
Khi chăm con nhỏ, nhất là lần đầu làm mẹ sẽ khá tất bật, không có thời gian để nghỉ ngơi nhưng điều này lại vô cùng quan trọng. Mẹ cần nghỉ ngơi hợp lý để hồi phục sức khỏe sau sinh nở, cùng như duy trì được tinh thần thoải mái để tạo nguồn sữa dồi dào. Vì thế, khi bé ngủ mẹ hãy tranh thủ nghỉ ngơi. Đồng thời, hãy nhờ sự trợ giúp đỡ của chồng hoặc người thân chăm sóc bé để mẹ được nghỉ ngơi nhiều hơn.
8. Uống nhiều nước
Mẹ nên uống từ 2,5-3 lít nước mỗi ngày, tức là uống nhiều hơn nhu cầu của người bình thường để thanh lọc cơ thể và tạo sữa cho bé. Bởi thành phần chính của sữa mẹ là nước, do đó nếu cơ thể của mẹ thiếu nước sẽ không thể sản xuất đủ lượng sữa cần thiết cho bé. Ngoài ra, mẹ nên uống nước ấm để kích thích sữa.
9. Chế độ ăn uống khoa học
Cũng giống như mang thai, sau sinh và đang cho con bú, mẹ nên duy trì chế độ ăn uống khoa học, ăn đầy đủ các nhóm như: chất đạm, chất béo, các loại vitamin và khoáng chất cần thiết để đảm bảo cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết cho bé thông qua sữa mẹ. Đặc biệt, các nhóm chất carbohydrate, sắt, nước… tuyệt đối không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày của những mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ.
Một số biện pháp phòng tránh tắc tia sữa
– Luôn luôn cho tập cho bé bú đúng và ngậm ti đúng cách.
– Không cai sữa đột ngột
– Với những cữ sữa bé không ti, mẹ hãy dùng máy vắt sữa để vắt ra.
– Trường hợp mẹ chỉ hút vắt không cho bé ti trực tiếp, cần hút vắt đúng giờ, đều đặn và không bỏ cữ.
– Mặc áo ngực vừa phải, không quá chật
– Duy trì chế độ ăn khoa học, cân bằng dinh dưỡng và uống đủ nước.
– Thư giãn nghỉ ngơi, giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng lo lắng.
– Trong thời gian cho bé bú, nếu gặp một trong các dấu hiệu như: tổn thương đầu ti, nhiễm trùng, nấm đầu ti, cần phải xử lý và điều trị ngay.
Bài viết trên Mom Shin vừa chia sẻ những thông tin cơ bản về tình trạng tắc tia sữa mà mẹ cần biết. Nuôi con bằng sữa mẹ là một hành trình thiêng liêng. Điều quan trọng là khi bị tắc tia sữa, mẹ cần biết được các dấu hiệu, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời. Hy vọng qua bài viết này, mẹ đã hình dung được phần nào về tắc tia sữa phải làm sao và có cách điều trị phù hợp.